Bonsai là một sản phẩm do bàn tay con người tạo ra, nó là một “tác phẩm điêu khắc sống” cho nên nó mang hơi thở khác, không giống như một chiếc bình cổ hay một bức tranh. Những người tạo ra tác phẩm Bonsai có thể không cần trường lớp, có thể là nông dân hay anh tiến sĩ cũng chỉ như nhau dưới bàn tay tạo tác một cây Bonsai,vậy nên tác phẩm Bonsai được tạo ra bởi muôn vàn yếu tố khác nhau và chính nó tạo ra sự phong phú cho mỗi tác phẩm. Cũng ví như người thợ làm gốm Việt không cần qua trường lớp gốm sứ nào nhưng nhờ bàn tay khéo léo, cuối cùng họ đã tạo ra những sản phẩm gốm LýTrần làm rạng rỡ cho gốm Việt một thời
Vì chơi Bonsai cũng đủ mọi giới, vậy ai cung cầu cho ai? Tôi đã nghe rất nhiều lần nghe cách nói:”ông đó có tiền, bỏ ra mua cây về rồi nói khoác, chứ có biết làm cây làm cối gì đâu”! Ha ha, vậy nếu không có người đó thì sao nhỉ? Nghệ nhân lấy tiền đâu ra để sống và tái tạo những phôi cây khác,Tiền đâu để lập vườn, tiền đâu để duy trì cái hơi thở này? Có những người chơi Bonsai để làm phương tiện cứu rỗi sau một ngày bon chen ngoài xã hội, cũng có người chơi chỉ vì rãnh không biết làm gì, cũng có người chơi Bonsai để lấy sĩ diện với bạn bè, hoặc có người chơi Bonsai để lấy lòng lão sếp,…vân vân. Nhưng chung lại số người đam mê thật sự thì rất đông và số người này là đối tượng làm cho thị trường sôi động.
Gần đây có tin đồn ông A bán cho ông B cây Sam Núi 2,5 tỉ, ông z mua cây Linh Sam bán thành phẩm lên đến 350 triệu, ông H mua cây trong hai tháng đầu năm lên đến trên 20 tỉ (VNĐ)… Điều đó báo hiệu niềm vui, một sự khởi sắc mới cho một ngành “Công nghệ Bonsai” vì ngày nay cuộc sống đã bước qua giai đoạn mới, một xã hội không chỉ sống để ăn và uống mà con người đã cần có những nhu cầu sống cao hơn, họ tìm đến những niềm vui cho riêng từng người,để thỏa mãn cho từng sát na trong hơi thở qua sự sống mong manh này.
Vậy nên cung tức phải có cầu! Về miền Tây đi xem các vựa kiểng, lần nào cũng thấy những nông dân ngồi chiết cây giống như Linh Sam, Sam Núi, Kim Quýt, Mai Chiếu Thủy, ôỉ, Khế, Trang…cả hàng triệu triệu nhánh chiết từ năm này qua năm khác, cả vài ngàn nhà vườn làm như vậy từ ngày này qua ngày khác, điều đó chứng tỏ số người cần cây và phôi giống không phải là ít. Vậy khi các tác phẩm Bonsai thành phẩm sẽ đi về đâu? Có một điều ai cũng biết rằng, nếu chỉ chơi vài cây cho vui thì khác, nhưng nếu đam mê chơi Bonsai thật sự thì cũng rất cần tiền để bao bọc cho cuộc sống để mà giữ cây của mình lại, vậy nên số người làm được việc đó không nhiều.Thế là những người đam mê thật sự mà họ lại có điều kiện sẽ bỏ tiền ra gom những tác phẩm đó về làm ” gia bảo” cho riêng họ, tôi tạm gọi đó là ” nhà sưu tập Bonsai”. Khái niệm này ở những đất nước như Nhật Bổn và Trung Quốc hay ở Mỹ không phải là ít, những người này có đam mê nhưng vì không có thời gian và năng khiếu nên họ chỉ mua các tác phẩm ấy về và duy trì lưu giữ. Ở Việt Nam thì những nhà sưu tập đó thường có nghệ nhân hoặc người làm riêng cho mình để gìn giữ cho các tác phẩm đẹp lên hoặc duy trì cho cây không bị hỏng so với ban đầu. Nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm Bonsai đẹp khi đến tay những vị này thì cũng coi như” đời tàn”.
Nếu so với đồ cổ thì bảo quản một tác phẩm Bonsai khó hơn nhiều, bảo quản một tác phẩm Bonsai thì người sở hữu nó cần có kiến thức về sinh học cây trồng, về mỹ học và phải có đam mê thật sự. Hôm rồi có tôi có dịp” tụ tập”ở miền Tây, có một người đặt ra câu hỏi rằng trong khoảng 10 năm trở lại đây có rất nhiều cây Bonsai đẹp, được các giải lớn tại thành phố Hổ Chí Minh và các tỉnh thành khác, bây giờ những cây ấỵ đi về đâu? Rất nhiều người hiểu rằng những cây ấy vào tay những đại gia? Thực tế một tác phẩm Bonsai khó chăm sóc gấp nhiều lần cây Sanh miền Bắc (dĩ nhiên Sanh vẫn là Bonsai), vậy nếu người sở hữu nó mà không có kiến thức thì than ôi vô tình các vị ấy đã làm hại những tác phẩm Bonsai tuyệt tác kia.
Mấy tháng trước, có một vị đi ô tô về miền Tây mua Bonsai để trang trí sân vườn, sau khi mua mấy cây Duyên Tùng của một nhà vườn xong thì vị ấy chỉ vào một chậu khác hỏi cây này giá bao nhiêu, chủ cây nói giá tám trăm triệu, vị kia hỏi cây này là cây gì vậy, chủ cây nói đây là cây Nguyệt Quế. Xong cuộc trao đổi ngắn đó thì bê cây lên xe. Thử hỏi một giống cây rất thông thường cũng không biết tên mà dám mua để chơi với một số tiền không phải là ít so với một nghệ nhân cây kiểng bình thường. Liệu những người như vậy có bảo quản nỗi những tác phẩm đẹp, đắt tiền đó không?
Phải công nhận rằng chính những nhà sưu tập là “Mạnh Thường Quân”cho các nghệ nhân chơi Bonsai và các nhà vườn, để các nghệ nhân yên tâm về chuyện áo cơm mà chăm lo sáng tạo ra tác phẩm mới, nhưng cả người sưu tầm và cả nghệ nhân đôi khi ngoài cái đam mê ra cũng cần nên có cái tâm với nghề. Nhiều nghệ nhân biết trước rằng cây của họ nếu bán cho nhà sưu tập A thì cây sẽ chết nhưng họ vẫn phải bán, vì sao thì nhiều người đã hiểu điều này!
Tại sao người ta phải làm như vậy, cái tâm ở đâu?. Người Nhật không làm như vậy cho dù hoàn cảnh của họ có bần cùng chăng nữa Vậy nên những nhà sưu tập Bonsai nên tỉnh táo, chọn cho mình đúng quân sư kẻo mất tiền qua cửa sổ để rồi trách móc nghệ nhân nọ nghệ nhân kia không có tâm, rồi những cuộc chiến tranh lạnh trong giới chơi Bonsai xảy ra cũng ác liệt không thua kém gì sự tai tiếng của giới chơi cổ vật! Mấy tháng trước ở Vĩnh Long có một vụ giao dịch cây Me, nghệ nhân X bán cho ông Y giá 450 triệu lúc cây đang sung mãn, ông Y về nuôi trồng sau 1 tháng cây Me lăn đùng ra chết,vậy là người này lỗi người kia. Nhưng tôi nghĩ rằng trong chuyện này thì người mua không đổ lỗi cho người bán được, vì cây khi mua vẫn khỏe đẹp cơ mà ( cây này chính mắt tôi đã thấy trước và sau khi chết, tôi cũng đã đến quán cà phê nơi để cây này). Vậy nên suy cho cùng những vị mua, sưu tầm cây nên tỉnh táo và chọn cho mình một ít kiến thức về Bonsai để không ngỡ ngàng khi sự cố đáng tiếc xảy ra.
Có lần tôi gọi điện thoại hỏi mua giúp người bạn một cây Sam Núi của nghệ nhânT.T,nghệ nhân này nói rằng đợi lúc nào bạn đến chơi xem cho kỹ rồi hẳn mua kẻo mua qua hình ảnh nó không chính xác, tôi nói không sao vì cây này trước đó tôi có thấy rồi, ông ấy vẫn không yên tâm và giải thích cho tôi biết những nhược điểm của cây đó như là cây Sam Núi này không có trái, gốc bị xấu, mặt sau bị khiếm khuyết…Và nói rằng nếu tôi đồng ý thì ông ấy sẽ đưa cây Sam Núi đó lên mạng để cộng đồng chơi cây khen chê thoải mái, xong nếu lúc đó tôi thích thì hẳn mua mà không thích nữa cũng không sao. Đúng là khi đưa cây lên mạng cũng có người khen kẻ chê nhưng cuối cùng tôi vẫn mua giúp người bạn. Điều đáng nói ở đây là tôi rất phục cách bán cây của vị nghệ nhân đáng kính kia, vì không dễ tìm ra người như ông ấy.
Để kết thúc bài viết này, tôi nói rằng công lao của những người sưu tầm cây là rất lớn và đúng ra họ đáng được các cấp chính quyền khen thưởng mới phải, vì ho là người có công sưu tầm và lưu giữ nhưng tinh hoa Bonsai của nước nhà, là cứu cánh chuyện áo cơm cho bao gia đình khó khăn khi không giữ nổi tác phẩm của mình, là người đam mê một bộ môn có ích cho sinh thái và cũng là đối tượng tiêu thụ số nhiều Bonsai mà đôi lúc họ cũng chính là nơi định đoạt giá cả cho Bonsai nước nhà. Tuy nhiên, mong rằng người mua cần tỉnh táo hơn và người bán cũng cần một chút tâm hơn, Vì “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như cụ Tiên Điền – Nguễn Du từng nói.
LaoThinh – Tapchihoacanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét